Contents
Thiết kế logo đẹp ngay từ khi bắt đầu với quy trình thiết kế logo chuyên nghiệp giá rẻ
Logo được định nghĩa là một sản phẩm hữu hình, chúng được xây dựng bằng những hình ảnh hay các con chữ hoặc là sự kết hợp của cả hai. Logo được tạo ra với mục đích nhận dạng thương hiệu, phân biệt giữa thương hiệu này với các thương hiệu kia. Tóm lại, có thể xem logo chính là một bộ mặt của một công ty, doanh nghiệp nào đó..
Thiết kế logo là bước đi đầu tiên trong xây dựng hình ảnh thương hiệu, vì logo là tín hiệu nhận diện quan trọng của mọi sản phẩm nhận diện thương hiệu trên thị trường.
Xin cảm ơn Mrs. Alina Wheeler , tác giả cuốn sách: Designing Brand Identity đã truyền cảm hứng và hỗ trợ Vũ hoàn thành bài chia sẻ này.
Quy trình là một loạt những công đoạn được liên kết với nhau có hệ thống, được đúc kết sau quá trình tích luỹ năng lực và kinh nghiệm của bản thân hay của cả một đội ngũ. Cách tiếp cận và xây dựng hình ảnh thương hiệu của từng đội ngũ hay nhà cung cấp dịch vụ thương hiệu không giống nhau, vì thế quy trình thiết kế logo của từng đội ngũ cũng là hoàn toàn khác nhau.
Đương nhiên không quy trình nào đạt đến mức độ hoàn hảo. Nhưng đội ngũ xây dựng hình ảnh thương hiệu có nhiệm vụ tuân thủ một quy trình thiết kế logo nhất định, đảm bảo tính hệ thống và chuyên nghiệp trong phạm vi năng lực để cho ra đời sản phẩm thiết kế hoàn thiện. Hạn chế đến mức thấp nhất những sai số không đáng có, mang lại hiệu quả cao nhất về tính thẩm mỹ lẫn chất lượng ứng dụng.
Paul Rand – nhà thiết kế đồ họa danh tiếng hàng đầu Hoa Kỳ từng tuyên bố:
Thiết kế logo không giúp bạn bán được hàng ngay, nhưng lâu dần sẽ tạo nên cảm xúc tích cực cho nhận diện thương hiệu của bạn.
Quả đúng như vậy, kỳ vọng rằng khách hàng tiềm năng của mình sẽ chỉ vì yêu thích thiết kế logo, để tạo thói quen mua hàng nghĩa là bạn đang không đặt logo thương hiệu vào nơi mà nó nên thuộc về. Nhưng tại sao phải giới hạn thiết kế logo trong vai trò của một “nhân viên bán hàng.” Trong khi giá trị của nó từ lâu đã vượt ra khỏi ranh giới này, trở thành một đại sứ của thương hiệu trên phương diện hình ảnh.
Tại thị trường Việt Nam luôn tồn tại một thực tế trái ngược rằng, các bạn trẻ khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, quy mô hộ gia đình hoặc mua bán online lại rất chú trọng việc sở hữu một thiết kế logo hoàn chỉnh.
Trong khi có không ít những doanh nghiệp với quy mô lớn, năng lực tài chính và nguồn nhân lực dồi dào lại vô cùng băn khoăn, rằng doanh nghiệp của mình có nhất thiết phải đưa thiết kế logo và hình ảnh nhận diện lên ưu tiên số một hay không?
Chưa dừng lại ở đó, một số nhận định cho rằng chi phí đầu tư vào quy trình thiết kế logo càng lớn, thì thành quả và hiệu ứng tích cực mà logo thương hiệu mang lại càng cao. Tuy nhiên nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, logo “hình chú chim màu xanh” của Twitter chỉ tiêu tốn 15 USD, ký hiệu swoosh của Nike thì được nhà đồng sáng lập mua lại từ cô sinh viên mà ông đang theo dạy với giá chỉ 35 USD.
Thậm chí đối với Google hay Coca-cola, những thương hiệu ông lớn luôn được mặc định là thường xuyên vươn lên vị trí thứ nhất, cùng lắm là tụt xuống vị trí thứ hai và chưa bao giờ là kẻ về thứ ba trong cuộc chiến thị phần của mình.
Với thiết kế logo sử dụng hoàn toàn bằng ngôn ngữ chữ viết, chỉ luân phiên thay đổi về màu sắc, phông chữ hay cách thể hiện. Coca-cola và Google chưa từng phải chi ra bất cứ khoản tiền nào, dù chỉ là một đồng tượng trưng cho các thiết kế logo của họ.
Nhận thấy được định nghĩa, quy trình và vai trò của thiết kế logo thương hiệu đang dần đi sai hướng tại thị trường Việt Nam. Cùng với khát khao được liên tục cập nhật và làm mới những quan điểm thương hiệu xưa cũ, tất cả đã tạo ra nguồn động lực to lớn để bản thân chúng tôi gửi đến mọi người bài chia sẻ ngày hôm nay.
Thiết kế logo phải “khoẻ” để tạo nên thương hiệu mạnh
Trong bài viết này từng đề cập đến khái niệm và bản chất của thương hiệu mạnh trong những bài viết trước đây. Thương hiệu mạnh được tạo nên khi bản thân doanh nghiệp, thương hiệu và cả sản phẩm đều chinh phục được khách hàng tiềm năng của mình. Từ những yếu tố cảm xúc ban đầu cho đến các nhận thức lý tính phía sau, bao gồm cả trải nghiệm sử dụng sản phẩm lẫn các giá trị lâu dài mang tính cộng đồng.
Một thương hiệu mạnh chính là cơ sở để thương hiệu tự mình trở nên nổi bật, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa một thị trường được dự báo đầy thách thức với quá nhiều đối thủ tiềm tàng. Xây dựng hình ảnh và nhận diện thương hiệu tích cực chính là một trong những nền tảng cần có, trên chặng đường tạo dựng nên một hay nhiều thương hiệu mạnh.
Trong đó đầu tư một thiết kế logo hiệu quả và đáng tin cậy ngay từ khía cạnh thẩm mỹ, chính là món hời mà bất cứ một đội ngũ thương hiệu nào dù non trẻ nhất, cũng tự hiểu với nhau rằng đây là nhiệm vụ tối quan trọng phải bắt tay vào thực thi. Vậy đâu là những yếu tố làm nên một thiết kế logo “đủ khoẻ.”
1/ Hãy tạo ra một thiết kế đáng nhớ
Trong giai đoạn những năm 1950 của thế kỷ trước và xuyên suốt nhiều thập kỷ sau đó, thế giới thương hiệu đã liên tục chứng kiến những thiết kế logo mang trên mình quá nhiều chi tiết. Từ Toyota, Peugeot, Apple cho đến Walt Disney, rất nhiều thương hiệu hoạt động trong đa dạng lĩnh vực khác nhau đã cho ra đời những thiết kế logo tương đối phức tạp.
Logo thương hiệu do chúng tôi thiết kế.
Dĩ nhiên là chúng đi ngược lại hoàn toàn với xu hướng thiết kế hiện đại, đơn giản và tôn sùng ngôn ngữ thiết kế phẳng đang rất được ưa chuộng trong thời gian gần đây. Thật lạ lùng bởi một thiết kế logo đáng nhớ thì trước tiên, nó phải là một thiết kế có phần dễ nhớ.
Đừng tạo ra một biểu trưng thương hiệu với quá nhiều chi tiết được lồng ghép vào nhau, bởi càng tham chi tiết thì khả năng bị trùng lặp ý tưởng với chính các đối thủ cạnh tranh càng cao. Đừng để mọi khách hàng tiềm năng đều có dịp nhìn vào logo thương hiệu, rồi thầm nghĩ rằng “phải chăng mình từng nhìn thấy thiết kế này ở đâu đó trước đây.”
Hãy nhớ đến quả táo cắn dở thần thánh đang xuất hiện trên mọi sản phẩm từ nhà Apple, hay biểu tượng ngôi sao ba cánh khiến hai mẫu xe cùng dòng của Mercedes Benz lại chênh lệch nhau về giá. Đó đều là những bài học trong việc tạo ra thiết kế logo thương hiệu dễ nhớ, đáng nhớ và góp phần làm nên thành công cho một thương hiệu mạnh.
2/ Tối ưu hoá thiết kế trên nhiều nền tảng khác nhau
Có một thực tế không thể chối cãi rằng thiết kế logo không bao giờ nằm yên trên giấy, trên bản vẽ kỹ thuật số hay trên chính bao bì của sản phẩm. Trong xây dựng thương hiệu mạnh, mức độ nhận diện thương hiệu là yếu tố quan trọng hàng đầu làm nên nhận thức tích cực từ người tiêu dùng.
Thiết kế logo thương hiệu không chỉ dễ nhớ, đáng nhớ mà còn phải “dễ nhận diện” trong nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau. Không ít khách hàng doanh nghiệp ngay trong lần đầu tiên đến tìm hiểu, khảo sát và chọn hợp tác với Vũ thường có chung một câu hỏi.
Rằng trong những sản phẩm thiết kế logo nói riêng và thiết kế bộ nhận diện thương hiệu nói chung, tại sao luôn dành ra một vị trí đủ lớn nhất định để thể hiện thiết kế logo trên nhiều nền tảng khác nhau?
Từ ấn phẩm văn phòng như name card, bì thư hay bao đựng hồ sơ cho đến sổ tay, áo thun, bút bi và thậm chí là USB hay túi xách cá nhân. Phải chăng đó là cách để thể hiện rằng “đội ngũ chúng tôi có thể làm được nhiều thứ ra sao.” Hoặc “chúng tôi tạo ra những thứ này để phòng trường hợp sau này doanh nghiệp bạn cần đến.”
Tác dụng thật của tối ưu hoá thiết kế logo trên nhiều nền tảng còn quan trọng hơn thế. Đừng tạo ra một thiết kế nhận diện hay logo thương hiệu dưới góc nhìn của một nhà lãnh đạo, hãy thử đặt mình vào chính tâm thế và góc nhìn của các khách hàng tiềm năng.
Bình quân mỗi ngày con người chúng ta tiếp xúc với hơn 15 nghìn thông điệp quảng cáo khác nhau, nghĩa là có chưa đến 6 giây để mỗi nhà tiếp thị và xây dựng thương hiệu tận dụng được cơ hội của mình. Tối ưu hoá thiết kế logo trên nhiều nền tảng, chính là đang chuẩn bị cho năng lực cạnh tranh hoàn hảo của một bộ nhận diện thương hiệu.
3/ Cân nhắc lựa chọn màu sắc và phông chữ
Màu sắc và phông chữ không chỉ là hai thành tố quan trọng làm nên một thiết kế logo hiệu quả, mang lại hiệu ứng tốt đẹp từ thị trường mà còn là hai yếu tố phản ánh phần lớn hình ảnh thương hiệu.
Tính cách thương hiệu như thế nào, những giá trị nào mà thương hiệu có thể cam kết mang lại, hay những văn hoá mà thương hiệu đang xây dựng cho cả nội bộ công ty lẫn hàng triệu khách hàng ngoài kia.
Mặt khác, màu sắc và phông chữ cũng phải được cân nhắc lựa chọn dựa trên hành vi người tiêu dùng. Mỗi một màu sắc hay phông chữ, từ cơ bản đến phức tạp đều mang theo những ý nghĩa sâu sắc hoàn toàn tách biệt.
Ví dụ như trong một thống kê từ Zillion Design, có đến hơn 30% các thương hiệu nằm trong top 100 thế giới đã sử dụng nhóm màu xanh, để làm màu sắc chủ đạo trong thiết kế logo thương hiệu.
Nghiên cứu thói quen, hành vi khách hàng cùng với tác dụng tâm lý của từng màu sắc hay phông chữ khác nhau, nghĩa là thương hiệu của bạn đang đi trước nhiều đối thủ cạnh tranh một bước – trên chặng đường chinh phục cảm xúc của hàng triệu khách hàng tiềm năng bằng cách áp dụng nghệ thuật thị giác.
Tác động tích cực của thiết kế logo đến thành công thương hiệu
Thiết kế logo “khoẻ” là một trong những yếu tố quan trọng tạo dựng thương hiệu mạnh. Vậy logo thương hiệu có đầu tư về thẩm mỹ, chất xám và công sức nghiên cứu của cả đội ngũ sẽ có những tác động tích cực nào đến quá trình xây dựng hình ảnh thương hiệu?
Vai trò nền tảng trong nhận thức thương hiệu tích cực
Thay vì tạo ra một thiết kế logo có phần phức tạp, trừu tượng và khiến mỗi khách hàng tiềm năng lại dễ đưa ra những suy đoán khác nhau – về giá trị, văn hoá và tính cách thương hiệu. Có lẽ bạn sẽ ngay lập tức đồng ý với Vũ rằng, chúng ta nên chủ động định hình, kể một câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc và duy nhất thông qua ngôn ngữ thiết kế logo.
Sản phẩm thương hiệu làm ra có thể giải quyết tốt vấn đề của khách hàng chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là mỗi sản phẩm hay hình ảnh mà thương hiệu giới thiệu đến công chúng phải biết chiều chuộng cảm xúc người dùng. Cho thấy được tinh thần cầu thị sẵn sàng thay đổi, cải tiến và quan trọng hơn hết là không ngừng theo đuổi chuỗi giá trị cộng đồng.
Thiết kế logo thương hiệu tất nhiên không phải là ngoại lệ. Một thiết kế khoa học, bài bản và hướng đến tính hiệu quả, không chỉ góp phần xây dựng nhận thức tích cực từ người tiêu dùng, mà còn tạo dựng thái độ và văn hoá làm việc tích cực ngay trong nội bộ nhân sự.
Cho phép khách hàng đánh giá thương hiệu qua vẻ bề ngoài
Ở phần trên chúng ta đã đề cập đến khoản thời gian “chưa đến 6 giây” để thương hiệu tận dụng tốt nhất thời cơ của mình. Điều này cũng chứng tỏ một thực tế rằng, níu kéo khách hàng tiềm năng ở lại để lãng phí thời gian của họ cho việc lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu với thương hiệu của bạn là một mục tiêu tương đối viễn vông.
Thay vào đó, hãy chấp nhận và cho phép khách hàng của mình được đánh giá thương hiệu qua vẻ bề ngoài nhiều hơn, ví dụ như thiết kế logo thương hiệu chẳng hạn.
Đặc biệt khi mô hình kinh doanh của bạn là vừa và nhỏ, mới khởi nghiệp hoặc chưa có được vị thế vững chắc trên thị trường, thì cần tránh xa khỏi các phông chữ hay biểu trưng có phần trừu tượng trong thiết kế logo. Hãy mạnh dạn nói lên giá trị, văn hoá và những đóng góp mà thương hiệu cam kết mang lại ngay trong chính thiết kế của logo.
Lấy ví dụ về logo thương hiệu Burberry danh tiếng với hình ảnh của một kỵ sĩ ngồi trên lưng ngựa. Đây là kết quả của cuộc thi thiết kế hình ảnh thương hiệu được Burberry tổ chức vào năm 1901, có sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ thiết kế cũng như tín đồ đam mê thời trang ở trên toàn thế giới.
Hình ảnh chàng kỵ sĩ ngồi trên lưng ngựa đã giành chiến thắng chung cuộc. Bởi theo quan điểm của người Anh, kỵ sĩ là hình ảnh đại diện cho sự tinh khiết, cao quý và niềm kiêu hãnh. Trong giai đoạn này, Đế Quốc Anh cũng đang là lực lượng nòng cốt có được sức lan toả mãnh liệt, đến không chỉ trong lãnh thổ châu Âu mà còn tính trên bình diện thế giới.
Kỵ sĩ ngồi trên lưng ngựa vì thế hội tụ các yếu tố liên quan đến tham vọng của thương hiệu, cùng với niềm tin rằng Burberry sẽ luôn mạnh mẽ tiến về phía trước. Chiếc khiên có hình chữ B trên tay kỵ sĩ cũng là một lời cam kết, rằng Burberry đã sẵn sàng đánh tan làn sương mù u ám – hậu quả của cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra tại quốc gia này.
Thúc đẩy lòng trung thành thương hiệu
Dù bạn có là fan trung thành của Nike hay Adidas – hai thương hiệu thể thao xếp hàng nhất nhì trên thế giới hiện nay, hãy mạnh dạn chia sẻ cho Vũ biết về cảm xúc cũng như tâm lý của bạn, khi tìm thấy một món đồ của Nike hay Adidas ở trên kệ hàng.
Đó có phải là kiểu cảm xúc của sự an tâm, tin tưởng và biết được rằng mình đang tìm ra sự an toàn giữa hàng loạt thương hiệu lớn nhỏ hay không? Đây cũng là cảm xúc hoàn toàn dễ hiểu của bất cứ ai, khi vô tình nhìn thấy sản phẩm đến từ thương hiệu mà mình yêu thích ở trên kệ hàng.
Thiết kế logo đơn giản, đáng nhớ và đi cùng tên tuổi thương hiệu suốt nhiều năm, nhiều thập kỷ hay thậm chí hàng thế kỷ. Đó là bằng chứng quan trọng nhất của mức độ hiệu quả, tính nhất quán và năng lực phát triển của thương hiệu cả về sản phẩm lẫn hình ảnh.
Và sau cùng, người tiêu dùng dù khó tính nhất cũng chỉ trông đợi vào đó, để thật sự tìm ra “chân ái” của đời mình giữa hàng triệu thương hiệu đang chen chân nhau – ở ngay giữa một thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Tai nạn thiết kế logo đáng nhớ – Domino’s Pizza và những dấu chấm tròn kinh điển
Khi bạn nhìn thấy logo của thương hiệu nổi tiếng Domino’s Pizza, bạn có cảm thấy khó chịu và không thuận mắt với chi tiết 3 dấu chấm tròn trên quân cờ Domino hay không? Nếu có thì hãy thầm cảm ơn đội ngũ xây dựng thương hiệu của Domino’s Pizza đi.
Bởi nếu họ không từng mạnh mẽ phản đối ý tưởng của Tom Monaghan – đồng sáng lập thương hiệu thì có lẽ mọi thứ còn tồi tệ hơn thế rất nhiều. Doanh nhân người Mỹ từng đề xuất phương án rằng, hãy thêm một dấu chấm tròn nữa mỗi khi Domino’s Pizza mở thêm một cửa hàng mới.
Nghĩa là với con số hơn một vạn cửa hàng đang còn hoạt động trên khắp thế giới hiện nay, suýt chút nữa đội ngũ xây dựng thương hiệu của Domino’s Pizza đã phải nhồi nhét hơn 10 nghìn chấm tròn li ti vào thiết kế logo. Một cơn ác mộng thật sự đối với những ai mắc chứng bệnh tâm lý “sợ lỗ” giống như Vũ.
Hãy đừng đánh giá logo xấu hay đẹp, bởi thẩm mỹ của mỗi người sẽ khác nhau, một logo đẹp chưa chắc có hiệu quả tốt nhưng một logo tốt chắc chắn phải đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ cũng như tính ứng dụng hiệu quả. Thiết kế logo là đại sứ của một thương hiệu trên phương diện hình ảnh, đóng vai trò hình thành nhận diện và những cảm xúc tích cực mà người tiêu dùng dành cho thương hiệu.
Thiết kế logo của một thương hiệu bất kì có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu. Từ những ấn phẩm quảng cáo mà chúng ta vẫn hay chuyền tay nhau, đến bao bì của những dòng sản phẩm có được cơ hội “ngồi” chễm chệ trên các kệ hàng.
Nhưng suy cho cùng, thiết kế logo được nhìn thấy ở đâu hay với tần suất bao nhiêu lần trong một ngày, cũng không thể so sánh với tầm quan trọng của việc thương hiệu kể được câu chuyện của mình bằng cách nào thông qua ngôn ngữ thiết kế.
Nhìn vào tai nạn hụt của Domino’s Pizza hay thành công của Burberry khi mạnh dạn theo đuổi văn hoá bản địa. Có thể ngay lập tức đi đến kết luận rằng, thiết kế logo nên được đặt đúng ở nơi mà nó nên thuộc về – nghĩa là vị trí của một đại sứ thương hiệu đúng nghĩa.
Quan điểm trái chiều về quy trình thiết kế logo
Vũ đã hơn một lần nhìn thấy những dòng tin quảng cáo về giá tốt hoặc giảm giá thiết kế logo thương hiệu. Mức giá mà một loạt các nhà cung cấp đưa ra còn tương đối vô chừng. Từ một triệu đồng đến vài triệu đồng cũng có, sau giảm giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng cho một thiết kế được cam kết về tính thẩm mỹ lẫn chất lượng. Thật lòng mà nói, Vũ không thể không hoài nghi và đắn đo về hai chữ “chất lượng” này.
Đối với nhóm ngành thuần sản xuất, quy trình thường gắn liền với những giá trị chuẩn mực khô khan, kỷ cương và có phần khuôn khổ. Nhưng đối với nhóm ngành sáng tạo và đặc biệt là thiết kế hình ảnh hay logo thương hiệu thì ngược lại. Tuân thủ quy trình thiết kế logo giúp đảm bảo được những giá trị về tầm nhìn, sứ mệnh, văn hoá và câu chuyện thương hiệu sẽ được thể hiện trọn vẹn nhất.
Chúng ta chấp nhận cắt giảm một số tính năng, để sở hữu chiếc xe mình yêu thích với chi phí tối ưu nhất. Chúng ta sẵn sàng sở hữu món đồ công nghệ với thông số phù hợp với nhu cầu, nhằm tiết kiệm hầu bao thay vì ném tiền qua cửa sổ với những model “max option.” Nhưng chẳng ai chấp nhận đánh đổi giá trị về tầm nhìn, sứ mệnh, văn hoá hay câu chuyện thương hiệu để nhận lại một thiết kế logo không có gì nổi bật ngoại trừ tính thẩm mỹ.
Đáng tiếc là không phải mọi doanh nghiệp và thương hiệu đều có đủ kinh nghiệm, thời gian và tài chính để thỏa sức chọn lựa giữa nhiều đối tượng cung cấp dịch vụ khác nhau. Phần lớn đều dễ dàng bị thu hút bởi những “chiếc bẫy” đến từ nhiều đội ngũ kém uy tín, thậm chí không đánh giá cao tầm quan trọng của quy trình thiết kế logo chuyên nghiệp, bài bản.
Đó cũng chính là động lực để Chúng tôi gửi đến tất cả mọi người – đặc biệt là quý doanh nghiệp và thương hiệu đang có mong muốn tìm kiếm đối tác cung cấp dịch vụ thiết kế, một bài viết hoàn chỉnh nhất về bảy bước cơ bản của một quy trình thiết kế logo chuyên nghiệp.
Giai đoạn 1: Thấu hiểu và đồng cảm
Vũ từng nhiều lần chia sẻ trong các bài viết trước, rằng bản thân luôn đánh giá cao những đối tác và quý doanh nghiệp sẵn sàng đặt câu hỏi, nêu vấn đề và không ngừng chia sẻ trong những cuộc gặp mặt cũng như trao đổi công việc.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp đương nhiên là những người hiểu rõ thương hiệu của mình. Nhưng nhiệm vụ của đội ngũ xây dựng hình ảnh thương hiệu phải là cùng thấu hiểu và đồng cảm với doanh nghiệp. Bởi đó là nguồn cảm hứng không thể tuyệt vời hơn, làm nên chất liệu cho mọi sản phẩm nhận diện ấn tượng và thuyết phục. Đặt câu hỏi, ra vấn đề để phác thảo trong đầu hình ảnh chi tiết nhất về thương hiệu, chính là nền tảng của thấu hiểu và đồng cảm với thương hiệu đó.
Để kiểm tra năng lực thấu hiểu về thương hiệu, đội ngũ xây dựng hình ảnh và tham gia vào quy trình thiết kế logo cần trả lời được những câu hỏi:
- Nhà sáng lập thương hiệu kỳ vọng điều gì ở thiết kế logo lần này?
- Thiết kế logo giải quyết được những vấn đề gì của thương hiệu?
- Người xem sẽ nhìn vào thiết kế logo và mô tả như thế nào về thương hiệu?
- Thiết kế logo thể hiện tính cách, giá trị và văn hoá nào của thương hiệu?
- Thương hiệu và thiết kế nhận diện có những khác biệt nào so với đối thủ?
Đồng cảm thương hiệu để đưa vào trong thiết kế một cách đầy đủ những giá trị mà thương hiệu mang lại, đây là bước đi đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong quy trình thiết kế logo. Kết thúc của giai đoạn thấu hiểu với thương hiệu, đội ngũ xây dựng hình ảnh sẽ lên được một danh sách các từ khoá – làm chất liệu đáng quý cho quá trình sáng tạo và chuyển ý tưởng thành sản phẩm thiết kế.
Giai đoạn 2: Nghiên cứu và đánh giá thị trường
Có một câu nói mà Onedesign luôn vô cùng tâm đắc: “Thất bại lớn nhất trên thương trường chính là khi bạn không có quá nhiều đối thủ cạnh tranh.” Đặc biệt là trong trường hợp doanh nghiệp hay thương hiệu chưa tạo được quá nhiều điểm nhấn, chưa có chỗ đứng thật sự vững chắc và cần bắt tay vào xây dựng hình ảnh thương hiệu.
Xu hướng hình ảnh và thiết kế nhận diện thương hiệu thay đổi theo từng ngày. Chính các đối thủ cạnh tranh sẽ là nguồn tài nguyên tham khảo mang tính đúng đắn nhất cho mọi thương hiệu, trong quy trình thiết kế logo và cập nhật xu hướng hình ảnh. Đội ngũ xây dựng hình ảnh thương hiệu có thể nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh, để cập nhật mọi xu thế mới nhất về màu sắc, font chữ hay ngôn ngữ thiết kế.
Bên cạnh đó, còn là những sai lầm trong định hướng nhận diện thương hiệu nói chung và thiết kế logo nói riêng – đến từ chính những tên tuổi đi trước trên thị trường.
Thay vì né tránh hay “mạnh dạn” bình phẩm, tại sao chúng ta không học cách đi vào phân tích và xây dựng kinh nghiệm dựa trên những vết xe đổ sẵn có? Bởi nên nhớ rằng, tạo ra một thiết kế phù hợp với xu hướng thị trường và ngành đặc thù đã khó. Nhưng để thiết kế logo thương hiệu của mình nổi bật lên so với đối thủ, thì còn khó khăn hơn vạn lần và đòi hỏi một quy trình thiết kế logo thật sự nghiêm túc, bài bản và chuyên nghiệp.
Giai đoạn 3: Cân nhắc kỹ thuật thiết kế logo
Kỹ thuật thiết kế logo là phương án tạo điểm nhấn thiết kế bằng cách sử dụng lại biểu tượng hay tên thương hiệu. Đội ngũ Designer có trách nhiệm chọn ra kỹ thuật thiết kế tối ưu nhất, nhằm khắc hoạ rõ nét chân dung thương hiệu cũng như những giá trị mà thương hiệu đó đang mang đến. Có sáu kỹ thuật thiết kế logo phổ biến nhất như sau:
Thiết kế logo theo kỹ thuật Wordmarks
Kỹ thuật này sử dụng các chữ cái viết tắt hoặc toàn bộ tên thương hiệu để làm nguyên liệu thiết kế, phù hợp với mục đích tạo dấu ấn thị giác và khắc ghi sâu đậm trong tâm trí người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên. Một số tên tuổi hàng đầu thế giới đã và đang sử dụng kỹ thuật này có thể kể tên là Samsung, Google, Ebay,…
Thiết kế logo theo kỹ thuật Letterforms
Cũng giống như Wordmarks, kỹ thuật Letterforms sử dụng chất liệu thiết kế là chữ cái. Khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ kỹ thuật này sử dụng duy nhất một chữ cái, và thường là chữ cái đứng đầu tên thương hiệu. Một số gợi ý nổi bật trên thương trường chẳng hạn như Unilever, McDonalds hay Tesla.
Thiết kế logo theo kỹ thuật Pictorial
Kỹ thuật Pictorial lấy chất liệu thiết kế là biểu tượng gắn liền với tên tuổi và chiều dài lịch sử thương hiệu. Ưu thế lớn nhất mà Pictorial mang lại có lẽ là khả năng linh hoạt tuỳ biến theo thời gian, cập nhật liên tục theo xu hướng thiết kế toàn cầu nhưng không hề kéo giảm mức độ nhận diện thương hiệu. Nói đến kỹ thuật Pictorial người ta ngay lập tức nghĩ đến Apple, Lacoste hay Polo.
Thiết kế logo theo kỹ thuật Abstract marks
Không thể hiện rõ nét vai trò của sản phẩm hay tên tuổi thương hiệu, nhưng những thương hiệu sử dụng kỹ thuật trừu tượng trong quy trình thiết kế logo vẫn mang đến một niềm tin nhất định, về khả năng giải quyết tốt vấn đề nội tại mà khách hàng đang gặp phải. Có thể kể tên loạt thương hiệu đình đám sử dụng kỹ thuật abstract như Nike, Pepsi, Chase,…
Thiết kế logo theo kỹ thuật Emblems
Kỹ thuật này là sự kết hợp giữa wordmarks và pictorial, khi bản thiết kế là một cụm biểu tượng không thể tách rời của hình ảnh và tên thương hiệu. Thiết kế sử dụng kỹ thuật Emblems thường không đổi và trường tồn theo thời gian, đổi lại là rủi ro gây nhàm chán về nhận diện và khó ghi nhớ trong vài lần tiếp cận đầu tiên. Có thể kể tên các thiết kế Emblems nổi bật như Starbucks, Harvard, Harley Davidson,…
Thiết kế logo theo kỹ thuật Mascot
Cái tên đã nói lên tất cả, kỹ thuật Mascot sử dụng hình ảnh của một con người hay loài vật, sự vật cụ thể để làm chất liệu chính cho thiết kế logo. Nói đến đây chúng ta có thể lập tức liên tưởng đến hình ảnh “ông già Kentucky” Harland Sanders, hay “ông già Pringles” với bộ râu đặc trưng trên những lọ khoai tây chiên.
Người nghệ sĩ thiết kế không nên áp dụng nhiều hơn một kỹ thuật thiết kế vào quy trình thiết kế logo, bởi minh hoạ về giá trị và văn hoá thương hiệu thì vẫn cần đảm bảo được tính nhất quán. Chọn kỹ thuật thiết kế logo phù hợp giúp đội ngũ thiết kế có được định hướng đúng đắn khi hình thành mạch cảm xúc, phác thảo ý tưởng sơ bộ và chuyển ý tưởng thành sản phẩm trên phần mềm chuyên dụng.
Giai đoạn 4: Tạo ra mạch cảm xúc và đưa ý tưởng lên trang giấy
Không ít nhà cung cấp dịch vụ và đội ngũ xây dựng thương hiệu thường đi tắt đón đầu, bằng cách ngay lập tức đưa ý tưởng thiết kế logo lên phần mềm trong khi chúng chưa phải phiên bản hoàn thiện nhất. Tại Onedesign, đội ngũ thiết kế không đánh đổi tần suất làm việc bằng mọi giá và vì vậy, chúng tôi luôn có những bước đi từ tốn và đúng đắn trong quá trình làm việc. Quy trình thiết kế logo của Vũ dĩ nhiên cũng không phải một ngoại lệ.
Onedsign nhìn nhận mỗi graphic designer trong đội ngũ của mình đều là một nghệ sĩ thực thụ. Chúng tôi khuyến khích các bạn không ngừng sáng tạo, không ngừng cải thiện và không hài lòng quá sớm với từng sản phẩm thiết kế của bản thân. Để làm được điều này, người nghệ sĩ thiết kế không nên vội vàng lệ thuộc vào phần mềm, mà thay vào đó phải tạo ra mạch cảm xúc và duy trì nó trên những trang giấy.
Khi được khai phá nguồn cảm hứng sáng tạo trên moodboard, sau đó sketch ra giấy những ý tưởng táo bạo nhất của riêng mình, người nghệ sĩ thiết kế sẽ nắm trong tay cơ hội không ngừng hoàn thiện để cho ra đời bản thảo ưng ý nhất.
Dĩ nhiên bạn có thể sử dụng phần mềm để liên tục thay đổi các ý tưởng, nhưng chẳng có một công cụ nào mang lại niềm cảm hứng mạnh mẽ nhất, bằng chính trí óc và ngòi bút của bản thân người designer.
Đó là động lực khiến Onedesign đầu tư không gian tốt nhất, khoản trống lớn nhất trên tường để dành vị trí cho moodboard. Thứ khơi gợi sức sáng tạo và liên tục sản sinh ra những ý tưởng mới, ấn tượng nhưng không làm mất đi bản sắc vốn có của thương hiệu.
Giai đoạn 5: Chuyển ý tưởng thành sản phẩm thiết kế
Moodboard và sketch là những công cụ phát triển ý tưởng hoàn hảo nhất, nhưng để nâng tầm chúng trở thành những sản phẩm thiết kế hoàn chỉnh thì lại không. Một sai lầm mà nhiều nghệ sĩ thiết kế gặp phải đó là quá nôn nóng trong quy trình thiết kế logo, đến nỗi gửi bản sketch chưa hoàn thiện và tinh chỉnh bằng phần mềm cho khách hàng của mình duyệt trước.
Quá trình từ phác thảo đến tinh chỉnh bằng phần mềm là cơ hội để designer phát hiện ra lỗi thiết kế dù là nhỏ nhất, với sự can thiệp một cách kịp thời và trực quan của hàng loạt công cụ hỗ trợ. Đội ngũ thiết kế có thể sáng tạo, thay đổi và thử nghiệm ở giai đoạn sketch, nhưng đến lúc chuyển ý tưởng thành sản phẩm bằng phần mềm thì không.
Giờ là lúc designer phải thật sự nghiêm túc để nhào nặn ra một sản phẩm thiết kế hoàn chỉnh, thể hiện rõ nét đặc tính, linh hồn và câu chuyện của thương hiệu đó. Thiết kế khi đó có lẽ chưa phải phiên bản cuối cùng được thông qua, nhưng chắc chắn phải là sản phẩm nói lên sự chuyên nghiệp và kĩ lưỡng – trong quy trình thiết kế logo của nhà cung cấp dịch vụ xây dựng thương hiệu.
Giai đoạn 6: Thuyết phục người xem bằng nguyên lý thị giác
Sau tất cả năng lực của một nghệ sĩ thiết kế không chỉ được đánh giá bằng kỹ năng ứng dụng phần mềm, thực chiến với công cụ xử lý hình ảnh hay khả năng kể chuyện qua bản thiết kế. Một graphic designer mang lại giá trị cho nhận diện thương hiệu và thiết kế logo còn phải biết cách thuyết phục mắt nhìn, chinh phục cảm xúc người xem bằng một loạt các nguyên lý thị giác khác nhau.
Người xem ở đây dĩ nhiên không nên giới hạn trong khuôn khổ của đối tác thương hiệu, mà cần ưu tiên hơn cảm nhận và đánh giá từ chính khách hàng tiềm năng mà thương hiệu hướng đến. Không chỉ dừng lại ở những đường thẳng, điểm cong, màu sắc hay typography, người đảm nhận nhiệm vụ thiết kế còn phải thật sự chú trọng và đầu tư chất xám của mình vào hệ thống lưới.
Hệ thống lưới là yếu tố không thể bỏ sót trong quy trình thiết kế logo, bởi nó như một “lập trình viên” cho cấu trúc tổng thể của thiết kế hoàn chỉnh. Suy cho cùng người xem luôn có nhu cầu tiếp nhận thông tin thương hiệu thông qua mọi sản phẩm thiết kế – bao gồm cả thiết kế logo. Hệ thống lưới logo đủ tốt sẽ trở thành nền tảng cho mọi động thái giao tiếp từ thương hiệu, hướng đến đối tác và nhóm khách hàng tiềm năng của mình.
Giai đoạn 7: Hoàn thiện logo guidelines
Đi đến công đoạn cuối cùng trong quy trình thiết kế logo thương hiệu, hơn ai hết Vũ hiểu rằng mọi nghệ sĩ thiết kế đều nóng lòng giới thiệu tác phẩm của mình đến khách hàng. Nhưng chờ đã, một tác phẩm tranh vẽ có đến 90% công năng là để mọi người chiêm ngưỡng, nhưng một sản phẩm logo thương hiệu đòi hỏi gần như 100% công năng ứng dụng hiệu quả – khi được xuất hiện trước truyền thông và đông đảo người tiêu dùng.
Vì những lí do đó, đội ngũ thiết kế hình ảnh cần đưa công đoạn hoàn thiện cẩm nang sử dụng – vào phần cuối của quy trình thiết kế logo chuyên nghiệp. Hơn bất cứ ai, chính những nghệ sĩ thiết kế là người thấu hiểu nhất sản phẩm logo mà mình vừa hoàn thiện. Hãy hướng dẫn cho đối tác thương hiệu một cách đầy đủ, chi tiết và dành trọn vẹn tư duy bản thân vào công đoạn này.
Sau đó, chính là lúc tất cả chúng ta có thể nhìn lại, chiêm nghiệm và tự hào về sản phẩm thiết kế được tạo ra bởi chất xám và năng lực của cả một đội ngũ lớn mạnh, chuyên nghiệp và giàu tâm huyết.
Lời kết
Quy trình thiết kế logo đòi hỏi người nghệ sĩ thiết kế có cái nhìn trực quan nhất về tính cách và văn hóa thương hiệu, có năng lực chuyển đổi hiệu quả từ ý tưởng đến sản phẩm thiết kế hoàn chỉnh.
Trên tất cả, quy trình thiết kế logo yêu cầu đội ngũ xây dựng hình ảnh đảm bảo được tính ứng dụng của sản phẩm trên thị trường. Dung hoà được giữa sự giản đơn giúp hình ảnh dễ đi vào lòng người, nhưng cũng ẩn chứa sự khác biệt giúp hình ảnh thương hiệu nổi bật lên giữa các đối thủ.
Nếu những ưu điểm và giá trị tích cực đó của thiết kế logo thương hiệu cũng là điều mà quý doanh nghiệp đang hướng đến, thì đừng ngần ngại liên hệ với Onedesign để nhận được tư vấn cung cấp dịch vụ chi tiết nhất qua số Hotline: 0967 729 967.
Xin chân thành cảm ơn.