Contents
Cách đặt tên thương hiệu và sáng tạo Slogan cho doanh nghiệp
Một tên thương hiệu, tên công ty được đặt hiệu quả không gì khác phải dựa vào khả năng chúng kết nối và truyền tải một thông điệp gì đó tới khách hàng.
Marty Neuemier đã nói trong cuốn sách thương hiệu nổi tiếng The Brand Gap: “Đặt một tên thương hiệu tốt luôn bắt nguồn từ phía khách hàng, và họ luôn muốn xác định, ghi nhớ, thảo luận và so sánh về thương hiệu một cách thuận tiện nhất. Một cái tên đúng sẽ là tài sản thương hiệu vô cùng quý giá, giúp tạo dựng sự khác biệt và nhanh chóng khiến thương hiệu đó được chấp nhận trong tâm trí khách hàng.”
Nhưng tất nhiên, việc lựa chọn đặt tên thương hiệu không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Cái tên như thế nào thì hiệu quả? Nghe cái tên này có “kêu” không? Các vấn đề pháp lý bảo hộ thương hiệu cho cái tên này như thế nào?
Điều gì tạo nên một tên thương hiệu tốt?
Có một số các lý thuyết cũng như nghiên cứu về những yếu tố tác động tới tên thương hiệu. Ví dụ như, theo nghiên cứu vào năm 2010 của đại học Alberta, khách hàng có tương tác tích cực hơn với những thương hiệu sở hữu cấu trúc tên được lặp đi lặp lại, đó là:
- Coca-Cola
- Kit Kat
- Jelly Belly.
Mặc dù không có một công thức hoàn hảo trong việc đặt tên thương hiệu, có một số các đặc điểm mà bạn cần lưu ý để có thể sở hữu một cái tên dễ sử dụng, dễ ghi nhớ. Đó là:
- Tính ý nghĩa: Tên thương hiệu cần truyền đạt giá trị nào đó, khơi gợi lên hình ảnh, và nuôi dưỡng những liên kết cảm xúc tích cực với doanh nghiệp.
- Sự nổi bật: Nó cần phải khác biệt so với đối thủ, và có thể dễ dàng ghi nhớ.
- Tính ứng dụng: Mọi người có thể dễ dàng đọc, phát âm, và viết nó.
- Khả năng bảo vệ: Bạn cần sở hữu domain, thực hiện các thủ tục sở hữu trí tuệ cho tên thương hiệu.
- Tính trường tồn: Qua năm tháng, khi công ty doanh nghiệp phát triển, cái tên vẫn có thể giữ vững tính liên quan, và thích ứng với đa dạng các dòng sản phẩm mới.
- Hình ảnh: Bạn có thể truyền tải chúng dưới các ngôn ngữ thiết kế: icon, logo, màu sắc,…
7 Loại tên thương hiệu thường gặp nhất
Nhiệm vụ đặt tên công ty, hay đặt tên thương hiệu không phải là công việc dễ dàng. Quy trình đặt tên thường trải qua các bước như:
- Quá trình nghiên cứu
- Brain-storm ý tưởng
- Tinh chỉnh idea
- Thử nghiệm
Để có thể dễ dàng hơn trong việc đặt tên thương hiệu, bạn cần thấu hiểu các loại tên cơ bản, thường gặp nhất. Nắm bắt được các loại tên thương hiệu này sẽ giúp bạn xác định rõ ràng hơn thứ mà doanh nghiệp mong muốn.
Dưới đây là 7 loại tên thường gặp:
1. Descriptive – Mô tả
Tên thương hiệu mô tả là loại tên đã thể hiện được ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Ưu điểm của loại tên thương hiệu này là tính thực tế và miêu tả chức năng rõ ràng.Tuy vậy, điều này vô tình khiến cho việc sáng tạo còn quá ít đất diễn.
Ví dụ như:
- Toys R Us
- E*Trade
- General Motors
- YouSendIt.
Các tên thương hiệu mô tả trên đều rất mạch lạc trong việc truyền tải câu chuyện thương hiệu. Thế nhưng, nó sẽ khiến cho vấn đề mở rộng và phát triển đa dạng trong tương lai trở nên khó khăn hơn.
Một điểm trừ nữa của loại tên này là khá khó để bảo hộ bởi chúng chủ yếu dựa trên các từ hoặc cụm từ chung.
2. Evocative – Khơi gợi
Evocative names – Các tên mang yếu tố khơi gợi sử dụng gợi ý hoặc mang tính chất ấn dụ cho những trải nghiệm hoặc định vị của thương hiệu.
Đó là những cái tên sáng tạo, là công cụ mạnh mẽ để tạo dựng sự khác biệt. Bởi vì các Evocative name thường có xu hướng đa chiều hơn, do đó dễ dàng thể hiện ý nghĩa của thương hiệu, thay vì chỉ đại diện cho sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể.
Các tên thương hiệu thuộc loại này thường là nền tảng của định vị thương hiệu. Một số các ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như:
- Nike
- Patagonia
- Amazon
- Virgin
Bởi tính nguyên bản, các tên thương hiệu mang tính khơi gợi thường dễ được bảo hộ hơn tên miêu tả. Tuy vậy, chúng đòi hỏi tính liên kết cực cao với cấu trúc và mô hình của doanh nghiệp, nếu không đó sẽ như phát đạn tự bắn vào chân mình.
3. Invented – Phát minh
Điều tuyệt vời nhất khi trường hợp bạn không thể tìm được một từ nào cho tên thương hiệu của mình, bạn hoàn toàn có thể tự chế ra chúng.
Các tên thương hiệu phát minh bắt buộc phải vô cùng đặc biệt. Một số được xây dựng từ các hệ ngôn ngữ như Latin, Hy Lạp hoặc các ngôn ngữ khác, sau đó được điều chỉnh để thể hiện rõ nhất tính cách của thương hiệu.
Ví dụ như:
- Exxon
- Kodak
- Xerox
- Verizon
Thách thức với tên thương hiệu phát minh là chúng không có những định nghĩa rõ ràng, và nhiệm vụ của doanh nghiệp là cần xây dựng câu chuyện xung quanh cái tên. Mặc dù có thể rất dễ dàng để bảo hộ, các tên này đòi hỏi chi phí marketing khổng lồ cũng như thời gian năm tháng để educate được khách hàng.
4. Lexical – Từ vựng
Lexical brand name – là các tên thương hiệu dựa vào yếu tố chơi chữ để có khả năng ghi nhớ tốt. Một số loại hình cơ bản trong tên thương hiệu này có thể kể đến như: Chơi chữ, cụm từ, từ ghép, từ điệp, từ tượng thanh, lỗi chính tả, và từ nước ngoài.
Tên thương hiệu Lexical là lựa chọn khá thông minh, một số ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như:
- Dunkin’ Donuts
- Krazy Glue
- Volare
- Sizzler Steakhouse
Nhưng, việc đặt tên theo lối chơi chữ cũng có những nhược điểm nhất định. Các khách hàng trong thời đại hiện nay đã bị tấn công quá nhiều bởi những kỹ thuật marketing trong đó có việc sử dụng lối chơi chữ. Do đó, nó cần phải cực kỳ tinh tế và sáng tạo.
5. Acronym – Từ viết tắt
Đây là cách thức đặt tên cơ bản nhất, “cổ xưa” nhất từ những thuở sơ khai của branding. Một số thương hiệu nổi tiếng, sử dụng tên viết tắt có thể kể đến như:
- IBM
- AARP
- BP
- UPS
KFC là một ví dụ điển hình khi khôn ngoan lựa chọn tên thương hiệu là từ viết tắt. Bởi lẽ, từ “Fried Chicken – Gà rán” đem lại cảm giác tiêu cực cho sức khỏe của khách hàng, là điều tối kị khi kinh doanh nhà hàng.
Điểm trừ lớn nhất, các tên thương hiệu viết tắt sẽ cực kỳ khó để khiến khách hàng ghi nhớ và càng khó hơn trong câu chuyên bảo hộ thương hiệu.
6. Geographical – Từ địa lý
Các thương hiệu đôi khi gắn liền với một khu vực, một vùng cụ thể, ví dụ:
- New York Life
- Nantucket Nectars
- Arizona Tile
Tên thương hiệu địa lý là những tên thấm nhuần yếu tố văn hóa và lịch sử với một địa điểm cụ thể. Bạn sẽ thường bắt gặp các công ty sử dụng loại tên này khi đối tượng khách hàng và thị trường của họ tập trung tại một khu vực nhất định.
Và điểm yếu lớn nhất có thể kể tới chính là sự khó khăn khi thay đổi trong trường hợp doanh nghiệp mở rộng, cần rebrand lại. Vì chỉ cần gắn tên một thành phố với một sản phẩm hoặc dịch vụ, hầu hết các tên này đều đã được sử dụng và bảo hộ.
7. Founder – người sáng lập
Những tên thương hiệu được đặt theo người sáng lập thường để khơi gợi yếu tố kính trọng với những di sản để lại. Một số thương hiệu nổi bật có thể nhắc tới như:
- Fords
- Ben & Jerry’s
- Martha Stewart
- Ralph Lauren
- Mrs. Fields
Những tên thương hiệu dựa vào người sáng lập có thể dễ dàng được bảo hộ, nhưng tuy vậy, nó lại quá gắn liền với câu chuyện của một cá nhân. Do đó rất dễ đổ vỡ nếu thương hiệu cá nhân của người sáng lập gặp phải vấn đề. Đồng thời, việc xây dựng thương hiệu sẽ cần thực hiện song song, cho cả cá nhân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, đừng quên xem xét các yếu tố liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền hình ảnh khi đặt tên cho thương hiệu của mình.
Quy trình 10 bước đặt tên thương hiệu công ty
Dưới đây là quy trình 10 bước cơ bản để giúp bạn đặt một cái tên tốt, gắn liền với khách hàng mục tiêu, đồng thời khác biệt với các thương hiệu của đối thủ trên thị trường, và trên hết, có thể tồn tại qua thời gian.
1. Xây dựng chiến lược thương hiệu
Bạn không nên tiến tới bước đặt tên thương hiệu nếu chưa hoạch định rõ các chiến lược thương hiệu cho doanh nghiệp.
Làm sao bạn có thể biết rằng cái tên này là phù hợp nếu như bạn không nắm rõ các bức tranh định hướng tổng quát, các đặc điểm khác biệt, và lời hứa, cam kết của thương hiệu?
>>> Xây dựng chiến lược thương hiệu từ con số 0
2. Nghiên cứu thị trường, đối thủ và khách hàng
Bạn cần thực sự thấu hiểu thị trường của bạn trước khi đặt tên thương hiệu công ty. Bạn đã biết cách khách hàng cảm nhận thế nào về tên thương hiệu của đối thủ?
Hãy phân tích các ưu và nhược điểm, tìm kiếm các insight khách hàng, cơ hội để sở hữu một tên thương hiệu tốt sẽ cao hơn rất nhiều.
3. Xác định các thông điệp thương hiệu sẽ truyền tải
Sauk hi đã thấu hiểu hiện trạng của thị trường và đối thủ, cũng như những điều khách hàng mong muốn từ thương hiệu, hãy thiết lập brand positioning.
Doanh nghiệp cần sử dụng định vị này kết hợp với lời hứa của thương hiệu để đặt tên thương hiệu chính xác. Ngoài ra, tên của doanh nghiệp cũng cần phải phù hợp với tính cách thương hiệu vốn có.
>>> Brand Positioning – Định vị thương hiệu
4. Brainstorm các ý tưởng đặt tên
Hãy ngồi xuống, cùng brainstorm các ý tưởng cho tên thương hiệu của bạn. Trong giai đoạn này, số lượng quan trọng hơn chất lượng, do đó, hãy cứ để khả năng sáng tạo trong bạn được lên tiếng.
Những suy nghĩ điên rồ hoàn toàn có thể tạo ra các ý tưởng hoàn hảo. Hãy nhìn thương hiệu của bạn dưới nhiều góc độ, tập trung vào các yếu tố lợi ích, cân nhắc về khách hàng mục tiêu, mà tạo ra một bản danh sách các tên càng dài càng tốt.
5. Thu gọn danh sách
Sau đó, hãy chọn ra khoảng từ 10 – 20 cái tên tốt nhất. Bạn cần đảm bảo rằng các tên thương hiệu này có thể đáp ứng và tồn tại được khi: thị trường thay đổi, doanh nghiệp mở rộng, thâm nhập thị trường các nước khác, xu hướng mới,…
Bạn nên đặt tên thương hiệu mà có thể song hành qua năm tháng bởi chẳng bao giờ bạn biết trước được thế giới, thị trường, khách hàng, đối thủ sẽ thay đổi thế nào.
6. Kiểm tra sở hữu trí tuệ và tên miền
Hãy kiểm tra tên thương hiệu của bạn trong danh sách kia, cái tên nào đáp ứng được 2 yếu tố sở hữu trí tuệ và tên miền. Bạn sẽ không muốn đốt tiền chạy marketing cho thương hiệu mà đã thuộc sở hữu của người khác đâu.
Bạn có thể tham khảo thêm sự tư vấn từ các luật sư về lĩnh vực bảo hộ thương hiệu nhé.
7. Chọn lựa cái tên phù hợp nhất
Dựa vào yếu tố bảo hộ và tên miền, thu gọn lại danh sách của bạn một lần nữa, xuống khoảng 1-3 cái tên.
8. Kiểm tra yếu tố phát âm, đọc, viết của tên thương hiệu
Bạn sẽ cần quá trình đánh giá, kiểm tra tên thương hiệu qua cách người khác phát âm, viết và ghi nhớ tên thương hiệu của bạn. Mẫu kiểm tra càng lớn, bạn càng có nhiều cơ hội đưa ra quyết định chính xác.
Yếu tố khu vực, độ tuổi của khách hàng cũng cần được cân nhắc kiểm tra, bởi lẽ, mỗi một khu vực địa lý, mỗi một độ tuổi sẽ có cách nhìn, cách phát âm khác nhau. Do đó hãy đảm bảo tên thương hiệu đáp ứng được sự nhất quán.
9. Kiểm tra yếu tố hình ảnh của tên thương hiệu
Bước tiếp theo cần thực hiện, là kiểm tra độ hiệu quả của yếu tố hình ảnh cho tên thương hiệu.
Hãy thử đặt chúng lên các Logo template, ứng dụng lên các mẫu name card, tiêu đề thư có sẵn. Thử đưa vào hình ảnh đại diện trên Facebook, thử đưa lên website… thử tất cả mọi thứ trong khả năng của bạn
10. Cho ra mắt và quản trị tên thương hiệu
Đây là bước cuối cùng trong quá trình đặt tên thương hiệu, bạn cần đảm bảo rằng nó được ứng dụng nhất quán trên mọi điểm chạm. Hãy liên tục theo dõi, và thu lượm các phản hồi trực tiếp từ khách hàng.
Việc đặt tên là vô cùng quan trọng, tuy vậy bạn cần ghi nhớ một điều rằng: Một tên thương hiệu, tên công ty tốt không thể tạo nên một sản phẩm tốt. Nhưng sản phẩm tốt có thể biến một cái tên kỳ lạ nhất trở nên không thể nào quên.
Slogan Là Gì? 36+ Slogan Hay Nhất Của Thương Hiệu Nổi Tiếng
Điều gì gây ấn tượng và khiến bạn nhớ đến khi nhắc tới một thương hiệu? Tên thương hiệu, Logo, màu sắc hay một slogan hoặc tagline đi kèm ngay khi bạn nhìn thấy sản phẩm, dịch vụ của họ. Slogan là một thành tố quan trọng nằm trong thương hiệu, giúp định vị, thể hiện tầm nhìn sứ mệnh cũng như khiến khách hàng dễ dàng mường tượng các giá trị mà thương hiệu đó đang cung cấp.
Slogan là một từ khoá rất quen thuộc với dân Marketing. Vậy Slogan là gì? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn định nghĩa rõ nét hơn về Slogan, tầm quan trọng và cách thức làm sao để tạo ra một Slogan ấn tượng.
Slogan là gì?
Slogan là một câu văn ngắn gọn nhưng mang tính lôi cuốn, chưa đựng thông điệp truyền thông, là “đứa con tinh thần vô giá” của một thương hiệu.
Một slogan có thể tồn tại qua thời gian và đứng vững trong tâm trí khách hàng thì cần phải mang trong mình thông điệp ấn tượng và khơi gợi được trí tưởng tượng của khách hàng về sản phẩm của mình.
Tầm quan trọng của slogan với thương hiệu.
Slogan là một phần không thể thiếu của thương hiệu. Slogan là ngọn hải đăng, đóng vai trò chiến lược trong mọi hoạt động marketing dù ở bất kỳ hình thức, giai đoạn nào. Một slogan tốt sẽ làm nổi bật hình ảnh thương hiệu và có khả năng chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng dành cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Dưới đây là một đặc điểm quan trọng mà một Slogan hiệu quả có thể mang tới cho thương hiệu:
1. Định vị khách hàng và tăng nhận diện thương hiệu.
Tên thương hiệu – brand name, một thiết kế logo nổi bật, và một slogan hấp dẫn là ba thành phần chính của thương hiệu. Vì vậy có một slogan nổi bật chắc chắn sẽ giúp bạn tăng thiện cảm, và gây ấn tượng với đối tượng khách hàng.
2. Xây dựng được một mối quan hệ tốt với khách hàng.
Các slogan có thể giúp tăng sự tin tưởng của khách hàng vào thương hiệu, nó như một lời giới thiệu đầy trực quan với đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp.
3. Giúp thương hiệu nổi bật.
Có một slogan lôi cuốn sẽ giúp bạn trở nên nổi bật so với các đối thủ của mình. Nó tạo ra bản sắc độc đáo cho thương hiệu của bạn tồn tại trong tâm trí của mọi người. Họ có thể ngay lập tức nhận diện ra thương hiệu của bạn chỉ qua slogan mà không cần có sự xuất hiện của sản phẩm hay tên thương hiệu đi kèm.
Ví dụ slogan: “I’m lovin’ it” mọi người sẽ nhận ra ngay lập tức là của McDonald’s.
4. Giúp tăng doanh số cho sản phẩm của thương hiệu.
Một Slogan hiệu quả sẽ nói lên rất nhiều điều về sản phẩm như: Sản phẩm đó là gì, chất lượng của nó như thế nào và người dùng có lợi ích gì từ nó.
Đó là cách người tiêu dùng nhìn vào một sản phẩm. Vì vậy có một slogan lôi cuốn nổi bật sẽ là một cách hiệu quả để tăng doanh số cho sản phẩm của bạn.
Thế nào là một slogan ấn tượng?
Một slogan ấn tượng sẽ đáp ứng được một số các tiêu chí nhất định. Thứ nhất, nó phải dễ nhớ, nghĩa là slogan cần có khả năng khơi gợi lên trong tâm trí mọi người bất cứ lúc nào. Điều này sẽ dựa vào việc tần suất xuất hiện của slogan trong các chiến dịch truyền thông của thương hiệu.
Các đặc điểm bạn cần phải thể hiện trong Slogan của doanh nghiệp:
1. Ngắn gọn và súc tích
Hoàn toàn không có một khuôn mẫu hay quy tắc nào nói rằng “Slogan cần phải dưới bao nhiêu từ”. Nhưng sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia chỉ ra rằng, người đọc thường có khuynh hướng dành ít sự quan tâm đến những câu nói dài dòng.
Với số từ ngắn, người đọc sẽ ghi nhớ nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ngắn gọn thôi chưa đủ. Một Slogan hay phải ngắn gọn nhưng vẫn mang được đẩy đủ thông điệp về thương hiệu.
2. Sử dụng ngôn từ đơn giản, rõ ràng và dể hiểu
Đã có rất nhiều Slogan ngắn trên thế giới phải thêm phần “giải nghĩa” để giúp người đọc hiểu được ý nghĩa mà doanh nghiệp muốn truyền tải đến với người tiêu dùng.
Thậm chí, nhiều Slogan không truyền tải được thông điệp còn dẫn đến hiểu nhầm về sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp đó cung cấp.
Chính vì vậy, bạn phải đặc biệt quan tâm tới khía cạnh diễn giải trong ngôn từ của Slogan. Càng dễ hiểu và đơn giản bao nhiêu, thông điệp ấy càng thấm sâu trong tâm trí của khách hàng bấy nhiêu.
3. Phải đảm bảo tính trung thực của Slogan
Tính trung thực luôn là điều quan trọng nhất trong bất kì lĩnh vực nào. Doanh nghiệp của bạn có thực hiện đúng theo những lời mình cam kết trong Slogan? Nếu không, đã đến lúc bạn cần xem xét và thay đổi lại Slogan.
Câu Slogan hay của các thương hiệu nổi tiếng
1. Slogan của KFC: It’s Finger Lickin’ Good
KFC là thương hiệu cửa hàng ăn nhanh được đánh giá nổi tiếng thứ hai trên thế giới chỉ sau McDonald’s. Slogan của KFC được ra đời qua một lần khán giả gọi điện và phàn nàn với quản lý Ken Harbough rằng Harman – CEO của KFC đang liếm ngón tay của mình khi ăn gà trên quảng cáo TV.
Harbough trả lời: “Well it’s finger lickin’ good” và cụm từ này trở thành slogan của KFC và được đón nhận ngay lập tức.
Ý nghĩa của slogan này rất thú vị: khi ăn, ta có thể “liếm” hương vị của miếng gà rán trên các đầu ngón tay từ đó ta có thể cảm nhận được hương vị của miếng gà rán một cách chân thực nhất.
Có thể thấy FKC đã rất thông minh khi sử dụng slogan này vì nó khơi gợi được trí tưởng tượng của khách hàng khi nghĩ đến thương hiệu gà rán KFC.
2. Slogan của Adidas: Impossible is nothing
“Impossible Is Nothing” là slogan nổi tiếng nhất của Adidas, lấy cảm hứng từ câu nói của huyền thoại quyền anh Muhammad Ali. Anh cũng là đại sứ thương hiệu của Adidas trong chiến dịch Slogan này để truyền tải toàn bộ thông điệp của Adidas về việc hỗ trợ các vận động viên đỉnh cao của thể thao thế giới.
Adidas không chỉ đem lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, mà qua đó, tạo tình cảm của khách hàng với Adidas. Mục tiêu “IMPOSSIBLE IS NOTHING” nhằm thúc đẩy phong trào thể thao, khuyến khích mọi người thuộc mọi lứa tuổi tham gia và trải nghiệm niềm vui của thể thao.
3. Slogan của Maxwell House: Good To The Last Drop
Câu slogan này ra đời một cách rất tình cờ: Franklin Roosevelt, cựu tổng thống Mỹ trong một dịp ghe qua hội chợ vùng Mashiville, ông được mời một ly cà phê nóng hổi thơm lừng của Maxwell House. Vị của nó ngon đến mức cựu tổng thống thốt lên rằng: “Good to the last drop”. Câu nói vô tình đó đã mở ra một trang mới cũng như sự nổi tiếng cho thương hiệu cà phê này.
Câu nói này được Maxwell sử dụng làm slogan và có lẽ, nó còn nổi tiếng hơn nhiều so với tên của thương hiệu.
4. Slogan của Disneyland: The Happiest Place On Earth
Disneyland chắc chắn là công viên giải trí hàng đầu trên thế giới. Công viên gắn liền với những nhân vật rất thân thiết như: Chuột Mickey, Vịt Donal, hay các nàng công chúa.
Mang trong mình bản chất là một công viên phục vụ cho mọi gia đình và lứa tuổi nên Disney tạo ra câu slogan dễ nhớ và gây thiện cảm với mọi người. Nó gợi nhớ cho người đọc hình dung về một công viên thú vị nhất hành tinh.
5. Slogan của KitKat: Have A Break, Have A KitKat
Vào năm 1973, KitKat xuất hiện với định vị sản phẩm là thanh socola mà mọi người có thể mang tới văn phòng và tận hưởng nó trong giờ nghỉ.
KitKat rất thông minh khi tận dụng từ “Break” ngay từ đầu vì nó vừa mang nghĩa thời gian giải lao, đồng thời là hành động bẻ gãy thanh KitKat. Qua đó nó cũng hình thành thói quen và hành vi của khách hàng mỗi khi thưởng thức 1 thanh KitKat.
6. Slogan của AirAsia: Now Everyone Can Fly
Một slogan hay không chỉ mang thông điệp đặc trưng của doanh nghiệp mà còn cho khách hàng lí do tại sao nên chọn sản phẩm dịch vụ của mình.
Với thông điệp “Now Everyone Can Fly” hãng hàng không giá rẻ AirAsia đã phản ảnh đúng những gì mà họ muốn truyền tải.
7. Slogan của BMW: The Ultimate Driving Machine
Được đánh giá là một trong những Slogan hay nhất ngành xe hơi, BMW như đã củng cố hình ảnh thương hiệu của mình thêm phần táo bạo và quyền lực.
Slogan này cũng muốn nhắn nhủ rằng, BMW luôn cố gắng đem lại cho khách hàng một sản phẩm chất lượng xuất sắc đi kèm với vẻ đẹp hoàn hảo.
8. Slogan của Intel: Intel Inside
“Intel Inside” khẳng định vị thế và làm nên thành công của thương hiệu Intel. Intel là một phần không thể thiếu của các thương hiệu máy tính trên toàn thế giới.
Và mới đây hãng đã thay đổi slogan của mình bằng một cái mới “Look Inside”. Câu slogan khiến mọi người phải tự đặt ra câu hỏi “What’s inside”. Thông điệp Intel muốn nói là Intel là nhà cung cấp chip máy tính độc nhất. Bên trong máy tính luôn là chip Intel.
9. Slogan của TH True Milk: Thật sự thiên nhiên
Đây là một điểm nhấn cho thương hiệu TH True Milk. Điều mà TH muốn thể hiện thông qua thông điệp này là tập trung vào sản phẩm sữa của mình được bắt nguồn từ những đồng cỏ xanh và công nghệ hiện đại của mình.
TH True Milk vừa nhấn mạnh sữa của mình là “thuần khiết” và khẳng định chất lượng của sản phẩm.
10. Slogan của Aston Martin: Power, Beauty and Soul
Cũng giống như BMW, Aston Martin biết rõ đối tượng khách hàng của họ là ai. Nhưng không giống với đối thủ, Aston lại kể một câu chuyện rất khác.
Đó là về tất cả linh hồn, di sản và nghệ thuật – bởi vì xe hơi không chỉ đơn thuần là một công cụ lái xe. Nó còn được tích hợp rất nhiều vào lối sống và ý thức của người cầm lái.
11. Slogan của Burger King: Have It Your Way
Hãng Burger King đã từng đứng vị trí thứ hai trên thị trường bánh hamburger tại Mỹ, chỉ sau McDonald’s. Mở đầu chiến dịch quảng cáo của mình với khẩu hiệu “Have it your way” vào năm 1974, gần như đây là một lời thách thức và chế giễu của Burger King về cung cách làm việc theo phương thức “sản xuất hàng loạt” hamburger của McDonald’s.
Đối với Burger King, ăn uống là một nghệ thuật và người thưởng thức nghệ thuật là một nghệ nhân, vì vậy hãy “Have It Your Way”. Đây có thể coi là một chiến dịch marketing thành công nhất, góp phần củng cố vị trí số hai của họ.
12. Slogan của Apple: Think Different
Chắc nhiều người vẫn đang thắc mắc, không biết Slogan này là của sản phẩm nào của Apple. Thực chất đây là Slogan của cả thương hiệu, được Apple sử dụng từ năm 1997 đến 2002.
Nó là bước chạy đà của Apple trước khi chuyển mình thành ông trùm của ngành công nghệ.
13. Slogan của McDonald’s: I’m Lovin’ It
Chiến dịch “I’m lovin’ it” được McDonald’s triển khai vào năm 2003 và nó vẫn đi cùng thương hiệu cho đến ngày nay. Đây là một ví dụ tuyệt vời về sự cộng hưởng giữa thương hiệu và khách hàng.
Sản phẩm của Mcdonald’s có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe, nhưng đây không phải thứ mà McDonald hướng tới – mà đó là sự yêu thích về hương vị và tính tiện lợi của nó.
15. Slogan của L’OREAL: Because You’Re Worth It
L’OREAL sở hữu một trong những slogan quảng cáo nổi tiếng nhất từng được tạo ra. Phụ nữ luôn muốn mình trông thật đẹp và tự tin.
L’OREAL có được một slogan hoàn hảo cho các sản phẩm làm đẹp của họ. Slogan này cho thấy rằng mình có giá trị, phụ nữ không phải mua sản phẩm của họ để trở nên đẹp hơn vì họ vốn dĩ đã như vậy rồi.
16. Slogan của The New York Times: All the News That’s Fit to Print
Nó được tạo ra vào cuối những năm 1890 như là một phong trào phản đổi chống lại các ấn phẩm tin tức ẩn danh. Thời báo New York không ủng hộ chủ nghĩa giật gân. Thay vào đó, nó tập trung vào các sự kiện và câu những câu chuyện quan trọng sẽ giúp cung cấp kiến thức chính xác cho khán giả.
Điều này giúp nó vượt ra khỏi một tờ báo cung cấp tin tức thông thường. Mà còn là nơi cung cấp sự tin cậy. Mặc dù khi bắt đầu The New York Times không áp dụng slogan nhưng nó vẫn được tạo ra vào thời điểm cần thiết nhất.
17. Slogan của M&M: Melts in Your Mouth, Not in Your Hands
Đây là một thương hiệu không cần tốn nhiều thời gian để nhận ra giá trị cốt lõi của mình. Làm thế nào để một miếng socola thực sự nổi bật so với các loại socola khác.
Trong trường hợp này, việc tạo ra một lớp vỏ cứng bọc lấy socola là một ý tưởng đột phá và đầy tính sáng tạo. Nó chỉ tan khi được ngậm trong miệng và bạn có thể mang nó đi bất kì đâu mà không gặp không có bất kì rắc rối nào khác.
18. Slogan của MasterCard: There are some things money can’t buy. For everything else, there’s MasterCard
Slogan hai câu của MasterCard được tạo ra vào năm 1997 nhưng một phần của chiến dịch quảng cáo được giới thiệu ở 98 quốc gia và 46 ngôn ngữ khác nhau. Lần chiếu đầu tiên là quảng cáo truyền hình được phát vào năm 1997: “Một người cha đưa con trai mình đi xem bóng chày và chi trả mọi thứ, nhưng cuộc trò chuyện giữa hai người là vô giá”
Theo một nghĩa nào đó “Priceless” đã trở thành một chiến dịch mang tính viral. Ngày nay, “Priceless” được coi là khẩu hiệu của MasterCard.
19. Slogan của De Beers: A Diamond Is Forever
Trên thực tế, một viên kim cương có giá trị ít hơn so với 50% so với số tiền bạn bỏ ra. Vậy làm thế nào mà có thể biến kim cương trở thành biểu tượng của sự giàu có, quyền lực và sự lãng mạn như hiện nay? Tất cả là vì De Beers đã có một chiến lược xây dựng thương hiệu tuyệt vời.
Bốn từ mang tính biểu tượng: “A Diamond Is Forever” đã xuất hiện trong mỗi quảng cáo của De Beers kể từ năm 1948 và nó được bình chọn là slogan hay nhất thế kỉ vào năm 1999. Nó đem lại một tình cảm hoàn hảo đối với người dùng, giống như kim cương, là vĩnh cửu. Nó giúp mọi người không bao giờ bán lại kim cương của họ.
20. Slogan của California Milk Processor Board: Got Milk?
Trong khi hầu hết mọi người đều biết đến chiến dịch “Got Milk” nhưng không phải ai cũng biết nó được đưa ra bởi hội đồng xử lý sữa California.
Chiến dịch này ban đầu đơn giản được đề ra để chống lại sự gia tăng nhanh chóng của nước giải khát và thức ăn nhanh. CMPB muốn mọi người quay trở lại uống sữa để duy trì một cuộc sống lành mạnh hơn.
21. Slogan của Dunkin’ Donuts: America Runs on Dunkin’
Vào tháng 4 năm 2006, Dunkin’ Donuts đã phát động tái định vị quan trọng nhất trong lịch sử công ty bằng cách kích hoạt một chiến dịch quảng cáo trị giá hàng triệu $ với khẩu hiệu: “America Runs on Dunkin’ “.
Nước Mỹ là một trong những quốc gia tiêu thụ cafe lớn nhất trên thế giới. Donuts tuy được biết đến với là thương hiệu bán bánh rán, nhưng đồng thời các sản phẩm coffee cũng rất được ưa chuộng. Chiến dịch xoay quanh sản phẩm cà phê của Dunkin’ và cách người Mỹ phải thưởng thức như việc tiếp nhiên liệu cho ngày dài bận rộn.
22. Slogan của Walmart: Save Money, Live Better
Slogan này là lời khẳng định của Walmart đến với các đối thủ cạnh tranh của họ: Sản phẩm của tôi có giá thấp hơn. Bằng cách chi ít hơn, khách hàng có được sản phẩm và trải nghiệm tốt hơn.
Ngắn gọn và súc tích, đây là một ví dụ điển hình về một slogan ấn tượng.
23. Slogan của EA GAMES: Challenge Everything
Slogan này khiến cho các game thủ phải chú ý tới nó. Phần lớn các trò chơi của EA là các trò mang tính cạnh tranh: Đá bóng, Đua xe, Chiến đấu,.. Slogan như là một lời một thách thức, một cuộc cạnh tranh cho mỗi người chơi để có thể đứng đầu.
24. Slogan của Subway: Eat Fresh
Slogan nổi tiếng này rất dễ để nhận diện. Subway thực hiện theo đúng như gì slogan đã đề ra. Bánh mì tươi được làm mỗi ngày, rau được cắt vào mỗi buổi sáng, bánh quy được nướng mỗi ngày,v… Khách hàng muốn thực phẩm tươi, không đông lạnh và sẵn sàng ăn mọi thứ nếu nó là đồ mới.
Có thể nói, những slogan hấp dẫn thường đem lại nhiều lợi ích cho công ty của bạn.
25. Slogan của Las Vegas: What happens in Vegas, Stays in Vegas
Một trong những slogan nổi tiếng nhất, Las Vegas mang đến cho khách hàng ý tưởng rằng bất cứ điều gì họ làm ở Vegas đều sẽ không để lại hậu quả, nó sẽ không theo họ trở lại với cuộc sống bình thường.
Thành phố Las Vegas sở hữu cho mình riêng một câu slogan vô cùng ấn tượng.
26. Slogan của Red Lobster: SeaFood Differently
Ngay cả các nhà hàng cũng có thể sử dụng cách chơi chữ. “Seafood” hay “See food” có cách phát âm khá tương đồng với nhau. Câu slogan này đã để lại rất nhiều những ấn tượng ngay khi người đọc phát hiện ra cách chơi chữ này.
Liên hệ thiết kế:
Onedesign Brand Service
Call : 0967 72 99 67
Mail: khachung208@gmail.com
Website: http://onedesign.com.vn/