Contents
Các bước thiết kế logo chuyên nghiệp phù hợp cho mọi thương hiệu
Thiết kế logo là công việc quen thuộc đối với những ai đang làm trong mảng đồ họa. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tạo ra một logo chuyên nghiệp. Thiết kế logo – công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm, bởi đây là công việc đòi hỏi tư duy lẫn khả năng sáng tạo, đi kèm đó là một quy trình nghiên cứu công phu.
Bài viết sau đây sẽ tiết lộ 7 bước cơ bản để phát triển logo, kèm theo các ví dụ để giúp bạn hiểu rõ hơn.
Bước 1. Tìm hiểu nhu cầu khách hàng
Bước đầu tiên của bạn trong quá trình thiết kế logo là tìm hiểu thương hiệu thể hiện những gì và mục tiêu của doanh nghiệp là gì. Trong giai đoạn này, bạn cần tìm hiểu nhiều thông tin để lên ý tưởng thiết kế. Có rất nhiều khách hàng không thể nói rõ họ muốn gì hoặc không biết bản thân cần gì ở một sản phẩm logo, người thiết kế phải tự nghiên cứu và đưa ra những thông tin này. Ngay cả trong trường hợp các bản tóm tắt chi tiết nhất, được soạn thảo tốt, các nhà thiết kế nên thăm dò sâu hơn nhu cầu khách hàng, thông tin doanh nghiệp, ngành nghề, mục tiêu, sứ mệnh,… Để từ đó phát triển logo sâu sắc hơn.
Traumkuh là một chuỗi quán cà phê sang trọng ở Đức và họ muốn có một logo để thu hút những khách hàng trẻ tuổi, sành điệu. Logo được thiết kế bởi Nevergohungry
Để nghiên cứu khách hàng của mình, bạn có thể tham khảo một vài câu hỏi gợi ý sau:
- Nếu thương hiệu là một con người, bạn sẽ sử dụng những tính từ nào để mô tả nó? (thông minh, thận trọng,…)
- Tiếng nói thương hiệu của bạn là gì? (hùng hồn và trang trọng, vui vẻ và dễ thương, gần gũi hay lạnh lùng,…)
- Niềm tin và giá trị nào quan trọng đối với thương hiệu của bạn?
- Giá trị độc đáo nào chỉ có ở thương hiệu này? Công ty của bạn cung cấp những gì mà đối thủ cạnh tranh không có?
- Bạn muốn khách hàng mô tả thương hiệu của bạn với bạn bè của họ như thế nào?
Thiết kế logo là một trong những bước có liên quan đến lĩnh vực xây dựng thương hiệu. Chính vì thế, khi đặt ra và trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn nắm rõ thông tin về thương hiệu. Từ đây, bạn có thể bắt đầu động não để chắt lọc thông tin này thành các từ và cụm từ chính. Một kỹ thuật động não phổ biến là lập bản đồ tư duy , trong đó các nhà thiết kế lấy những keyword ấn tượng nhất để xây dựng thành các ý tưởng liên quan. Hãy chú ý ghi lại tất cả những gì bạn cảm thấy cần nhấn mạnh – đây sẽ là tư liệu để xây dựng logo hoàn chỉnh.
Bước 2. Nghiên cứu đặc thù thương hiệu
Trong cuộc chiến định vị thương hiệu, mọi doanh nghiệp đều tìm cách để trở nên nổi bật.
Vì vậy, bước tiếp theo trong quá trình thiết kế logo là nghiên cứu xem các đối thủ cạnh tranh và các doanh nghiệp khác trong ngành đang sử dụng logo như thế nào. Đây được gọi là giai đoạn khám phá ngành, giai đoạn này bạn cần tập trung nghiên cứu những điểm chung và sự khác biệt của các thương hiệu nổi bật trong ngành.
Tham khảo các logo khác trong ngành, bạn có thể thu thập thông tin:
- Những kỹ thuật logo nào phù hợp với ngành của bạn, như tone màu thương hiệu hoặc hình dạng cụ thể.
- Những phong cách thiết kế logo nào đang được sử dụng quá nhiều, dẫn đến làm mất tính độc đáo của thương hiệu.
- Những xu hướng thiết kế logo nào đang bị bỏ qua, bạn có thể sử dụng để giúp sản phẩm trở nên nổi bật.
- Thương hiệu nào hiện đang “thống trị” ngành của bạn (hoặc khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp muốn nhắm tới)
Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh để xác định các xu hướng thiết kế phổ biến trong ngành.
Ví dụ, hầu hết các logo trong ngành công nghệ đều sử dụng màu xanh lam. Với thông tin này, bạn có thể: (1) cũng có thể sử dụng màu xanh lam cho một dự án thiết kế logo nào đó vì một số nghiên cứu cho thấy màu này tạo sự dễ chịu và giúp người xem ghi nhớ tốt hơn hoặc (2) sử dụng màu khác để nổi bật giữa biển logo màu xanh lam. Không có câu trả lời đúng hay sai, nó phụ thuộc vào mức độ ưu tiên nổi bật đối với chiến lược xây dựng thương hiệu của bạn. Nhưng dù thế nào đi nữa, bạn thậm chí sẽ không biết phải lựa chọn nào trừ khi bạn nghiên cứu các logo khác trong ngành của mình trước.
Bước 3. Lập danh sách những nơi logo sẽ được sử dụng
Cũng giống như chiến lược thương hiệu, không gian vật lý hoặc kỹ thuật số mà logo sẽ xuất hiện cũng ảnh hưởng tới thiết kế của bạn. Bạn càng sớm dự đoán được logo của mình sẽ được sử dụng như thế nào thì càng tốt cho việc phát triển logo, từ màu sắc, hình dạng hoặc thậm chí phần mềm thiết kế được sử dụng.
Ví dụ, nếu bạn muốn logo của mình trên các biển quảng cáo lớn, bạn có thể thiết kế logo chi tiết hơn, quy mô lớn hơn. Nếu logo chỉ sử dụng trong ứng dụng smartphone, bạn nên chọn sự đơn giản và quy mô nhỏ hơn (dạng icon). Nếu bạn muốn nổi bật trên nền tảng video hoặc kỹ thuật số, có thể làm logo đặc trưng hoạt hình bắt mắt. Thông thường, designer sẽ phải lên kế hoạch xây dựng bộ logo cho tất cả không gian mà sản phẩm được thể hiện.
Đây là một số không gian phổ biến mà logo sẽ thường xuất hiện:
- Trên website/ Ứng dụng cho smartphone
- Bao bì sản phẩm
- Banner quảng cáo ngoài trời
- Hồ sơ trên mạng xã hội
- Danh thiếp
- Giấy tiêu đề công ty (hóa đơn, tài liệu nội bộ)
- Các chiến dịch tiếp thị qua email
- Tiếp thị swag (bút, áo sơ mi, cốc, v.v.)
Bước 4. Phác thảo một loạt các ý tưởng về logo
Khi đã có một số ý tưởng về logo, hẳn bạn rất nôn nóng muốn bắt tay ngay vào việc thực hiện trên phần mềm đồ họa. Đừng quá nôn nóng, nếu chưa thực sự hài lòng với các phác thảo đầu tiên, hãy dành thời gian phát triển thêm nhiều ý tưởng mới. Đây cũng là cách giúp động não hiệu quả.
Phác thảo một loạt các ý tưởng logo khác nhau để xem chúng trông như thế nào bên ngoài đầu bạn. Việc cầm bút và vẽ sơ lược những suy nghĩ trong đầu ra giấy cũng có thể khiến nguồn sáng tạo tuôn trào. Quan trọng hơn, việc phác thảo một loạt các hình ảnh cho phép bạn thấy những ưu nhược điểm của từng ý tưởng. Từ đó có thể kết hợp các yếu tố khác nhau cho đến khi bạn chọn được chủ đề hoàn hảo.
Khi bạn đã quyết định được hình ảnh ưa thích, hãy thử phác thảo thêm một số chi tiết như typography, icon,…
Bước 5. Vẽ bản nháp logo trong phần mềm đồ họa
Khi đã có một loạt các bản phác thảo logo lộn xộn, hãy lấy khoảng 3 bản phác thảo đẹp nhất và thiết kế hoàn chỉnh lại chúng trong phần mềm đồ họa. Đây là những bước cuối cùng để tạo ra một logo.
Trong quá trình thực hiện thiết kế logo trên phần mềm đồ họa, hãy tự do và thoải mái giải phóng các ý tưởng thông qua màu sắc, biểu tượng, hình họa hay font chữ,… Đây là lúc bạn hiện thực hóa tất cả những ý tưởng từ trong đầu và bản vẽ giấy thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Bước 6. Thẩm định logo
Trong ngành sáng tạo – nghệ thuật, đôi khi việc chỉnh sửa “đứa con tinh thần” khó khăn chẳng kém gì việc tạo ra chúng! Dù bạn tự tin thiết kế logo của mình đã rất hoàn hảo thì đâu đó vẫn sẽ có những ý kiến phê bình và yêu cầu chỉnh sửa. Đây là lúc cần tỉnh táo và lắng nghe một cách khách quan.
Việc góp ý hay phê bình không phải lúc nào cũng là một điều xấu. Khi bạn làm việc với màn hình máy tính trong thời gian dài, bạn cũng có thể mắc một số nhầm lẫn. Vì thế việc lắng nghe góp ý từ những đối tượng khác sẽ giúp bạn nhìn ra những điểm chưa hoàn hảo của sản phẩm và khắc phục.
Bước 7. Hoàn thiện logo & xuất file
Khi logo đã được hoàn thiện qua tất cả các khâu, bước cuối cùng bạn cần xuất file để sử dụng logo tùy mục đích. Bạn nên xác định những tệp thiết kế mà khách hàng cần khi sử dụng và tiếp thị. Một số định dạng file gợi ý:
- File vector (như trong Adobe Illustrator)
- File EPS / PDF (dành cho khách hàng sử dụng các phần mềm khác)
- File raster có độ phân giải cao cho web/ file PNG có nền trong suốt.
Đảm bảo bao gồm các biến thể cơ bản của logo: chẳng hạn như màu đen, trắng và đơn sắc.
Nếu logo có dùng font chữ tiêu chuẩn, bạn cũng cần note hoặc đính kèm file font chữ trong một thư mục để tránh việc sản phẩm bị lỗi font trên các máy tính chưa cài đặt font chữ đó.
Lời kết: Tạo một logo thông minh giúp thương hiệu tới gần với khách hàng
Một thiết kế tuyệt vời không chỉ dừng lại ở tài năng, mà còn bao hàm rất nhiều yếu tố khác. Đó có thể là kết quả của tư duy phản biện, nghiên cứu, khám phá, sàng lọc góp ý và liên tục hoàn thiện,…
Mỗi chi tiết trong một logo, từ màu sắc, font chữ, kích thước, hình dạng,… đều có thể tạo ấn tượng cho người xem. Có thể khi mới bắt tay vào thực hiện, logo của bạn chưa gây được tiếng vang như mong đợi. Nhưng một quy trình thiết kế logo hoàn chỉnh, phong cách làm việc nghiêm túc sẽ giúp bạn dần nâng tầm thương hiệu và gặt hái được thành công mới!
Làm thế nào để thiết kế logo phù hợp với thương hiệu doanh nghiệp?
Logo được thiết kế phù hợp sẽ trở thành một vũ khí truyền thông quan trọng cho doanh nghiệp, giúp bạn quảng bá dịch vụ và sản phẩm nhanh chóng, thu hút thiện cảm từ khách hàng.
Logo là hình ảnh đại diện cho thương hiệu – thường là tên doanh nghiệp được vẽ cách điệu hoặc hình ảnh biểu tượng. Logo được sử dụng trên trang web, mạng xã hội, trên danh thiếp và tài liệu quảng cáo, tờ rơi, quà lưu niệm của công ty,… Nói một cách dễ hiểu, logo có thể xuất hiện trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào và trong bất kỳ quảng cáo thương hiệu nào.
Đọc thêm Bật mí 7 bước giúp bạn thiết kế logo đẹp và chuyên nghiệp
2. Vì sao Logo góp phần quan trọng để quảng bá doanh nghiệp thành công?
Nghiên cứu gần đây về tiếp thị và quảng cáo tuyên bố rằng một người trung bình bắt gặp 3.000 quảng cáo mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội, hộp thư, tin nhắn,… tràn ngập các thông điệp từ các thương hiệu mà phần lớn bị bỏ qua. Về mặt này, logo đóng một vai trò quan trọng.
Một hình ảnh rõ ràng, dễ nhớ, phù hợp với các hoạt động của công ty có thể tạo sự khác biệt cho thông điệp của bạn và thu hút sự chú ý của người xem. Ngoài ra, một logo được thiết kế phù hợp đóng vai trò như một loại danh thiếp của công ty. Ví dụ, người tiêu dùng chỉ mất 10 giây để quét logo và có ấn tượng đầu tiên về một thương hiệu. Nhờ hình ảnh trực quan được lựa chọn tốt, có thể tác động đến hành vi mua hàng và tăng lòng trung thành của khách hàng. Logo xuất sắc phải bao gồm tất cả các khía cạnh này cùng một lúc. Và tầm quan trọng lớn trong quá trình phát triển của nó không chỉ đối với cách phối màu mà còn về hình thức trực quan.
3. Làm thế nào để thiết kế logo phù hợp với thương hiệu
Không có sự phân biệt logo nào đúng hay sai, bởi mỗi sản phẩm đều đẹp theo cách riêng của nó. Sau đây là một vài lời khuyên để giúp bạn xác định được phong cách thiết kế logo tốt nhất và tạo ra một hình ảnh hiệu quả và đáng nhớ cho thương hiệu của bạn.
3.1. Logo dạng văn bản (Text Logo)
Logo văn bản là một trong những biểu tượng phổ biến nhất và được rất nhiều công ty ưa chuộng bởi tính hiện đại, ngắn gọn và đơn giản. Mặc dù phong cách và font chữ có thể thay đổi vào những thời điểm khác nhau nhưng vẫn giữ được nét riêng đặc trưng của thương hiệu.
Với dạng logo này, tên của công ty đóng vai trò là hình ảnh trực quan chính. Dù là doanh nghiệp nhỏ hay một tập đoàn lớn thì thiết kế logo dạng văn bản đều phù hợp. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp có tên không quá dài (từ 1 đến 2 từ), hay tên công ty rất khó để dịch thành một chữ viết tắt, sản phẩm kinh doanh khó kết hợp ý nghĩa thành một biểu tượng,… thì lựa chọn thiết kế logo dạng văn bản là lựa chọn tuyệt vời.
Lưu ý: Luôn kiểm tra bằng từ điển xem tên công ty của bạn có nghĩa là gì trong các ngôn ngữ khác nhau. Điều này sẽ giúp bạn tránh được những bối rối và những tình huống khó chịu nếu trong tương lai bạn muốn tham gia vào thị trường quốc tế.
3.2. Logo viết tắt (Abbreviation Logo)
Viết tắt là một giải pháp logo tuyệt vời để đơn giản hóa một tên công ty dài. Ví dụ, NASA là âm dễ đọc và dễ hiểu hơn nhiều so với tên đầy đủ là National Aeronautics and Space Administration (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia).
Dạng logo viết tắt thường bao gồm một số chữ cái, là trung tâm của logo. Nếu tên doanh nghiệp của bạn sử dụng các từ, thuật ngữ “khó”, bao hàm nhiều ý nghĩa, đồng thời muốn sử dụng một logo tượng trưng đơn giản và ngắn gọn thì nên lựa chọn logo viết tắt.
Lưu ý: Để làm cho logo của bạn trở nên đáng nhớ và độc đáo, hãy chọn một phông chữ thú vị, nhưng đừng quá lạm dụng. Hãy nhớ từ viết tắt phải dễ đọc và dễ hiểu.
3.3. Biểu tượng đặc trưng (Symbol Logo)
Hình biểu tượng là điểm nhấn trực quan của thương hiệu. Những biểu tượng này có thể là ảnh trừu tượng, photorealistic hoặc vẽ tay,… Nếu bạn muốn định vị thương hiệu một cách rõ ràng, tạo dấu ấn sâu sắc thì logo dạng biểu tượng đặc trưng sẽ là lựa chọn tốt.
Lưu ý: Khi thiết kế một logo biểu tượng, hãy tránh dùng quá nhiều sắc thái. Đồng thời cần chú ý thiết kế thêm các phiên bản dự phòng dùng cho in ấn bao bì lẫn digital. Ngoài ra, đừng quên rằng logo phải trông đẹp như nhau với phiên bản đen trắng.
3.4. Logo trừu tượng (Abstraction Logo)
Logo trừu tượng là một giải pháp sáng tạo khi bạn muốn tạo ra một biểu tượng độc đáo và mới lạ mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ hình ảnh cụ thể nào. Những logo như vậy phù hợp với các công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau vì việc lựa chọn hình dạng và màu sắc phù hợp có thể truyền tải những ý nghĩa và cảm xúc khác nhau. Một logo trừu tượng còn thể hiện yếu tố “duy nhất”, khẳng định sự nổi bật so với đối thủ cạnh tranh.
Với phong cách trừu tượng, bạn có thể tạo ra một logo thực sự độc đáo và không giống với bất kỳ logo nào hiện có. Nhưng trong việc theo đuổi sự độc đáo, đừng quên thành phần ngữ nghĩa, bởi vì logo thoạt nhìn nên truyền đạt ý tưởng về công ty của bạn tới khách hàng.
Xem thêm: Ý nghĩa của hình dạng trong thiết kế đồ họa
3.5. Biểu tượng linh vật (Mascot Logo)
Sáng tạo, vui tươi và một chút hài hước – đây là những gì làm cho logo linh vật trở nên nổi bật. Bí quyết thu hút khán giả của chúng nằm ở tâm lý con người: não bộ của chúng ta phản ứng nhanh hơn nhiều với khuôn mặt của một người (trong trường hợp này là một nhân vật), và phân biệt nó với những hình ảnh khác. Một trong những ưu điểm của những logo này là khả năng thích ứng. Theo thời gian, các thay đổi có thể xảy ra trong công ty của bạn và bạn có thể thay đổi và biến đổi linh vật một cách dễ dàng (đối với thương hiệu và người tiêu dùng), trong khi hình ảnh vẫn dễ nhận biết.
Logo linh vật phù hợp nếu:
- Đối tượng mục tiêu của công ty bạn là gia đình hoặc trẻ em;
- Bạn có ý định tạo ra một hình ảnh công ty vui vẻ và thân thiện;
Thiết kế một logo như thế này không dễ dàng như bạn tưởng. Việc tạo ra một nhân vật phù hợp với đối tượng của bạn sẽ mất thời gian và nỗ lực thông qua nghiên cứu thị trường và người tiêu dùng phức tạp. Nếu không có sự quan tâm đúng mức đến khía cạnh này, bạn có nguy cơ nhận được một logo gợi lên những hình ảnh và cảm giác tiêu cực.
3.6. Logo dạng Quốc huy (Coat of Arms)
Logo dạng này thường chứa cả văn bản và yếu tố hình ảnh. Chúng có thể được coi là một trong những loại logo cổ xưa nhất. Những hình ảnh như vậy đã được sử dụng để xác định và chỉ định thuộc về một nhóm xã hội cụ thể từ thời cổ đại. Và ngày nay vai trò của nó không có nhiều thay đổi.
Do vẻ ngoài truyền thống và trang nghiêm, logo này chủ yếu được sử dụng bởi các cơ sở giáo dục và tổ chức chính phủ. Dạng logo Quốc huy là lựa chọn tốt nếu:
- Tên công ty của bạn không quá dài (để vừa với bên trong khung logo);
- Bạn muốn tạo ra một hình ảnh trực quan độc đáo và đặc biệt;
- Công ty của bạn có một lịch sử thú vị;
- Doanh nghiệp gia đình.
Hoa văn trên logo càng phức tạp thì càng có nhiều vấn đề với nó. Hãy suy nghĩ trước về hình họa nào bạn sẽ sử dụng trong logo của mình. Ví dụ, trên biển quảng cáo, nó có thể được đọc dễ dàng, và khi in trên danh thiếp nhỏ, nó có thể giống như một vết bẩn không thể đọc được. Do đó, khi thiết kế một logo như vậy, hãy cố gắng đơn giản hóa thiết kế càng nhiều càng tốt.
3.7. Dạng logo kết hợp nhiều phong cách
Trong các dạng logo kết hợp, phổ biến nhất là sử dụng văn bản và biểu tượng. Những logo như thế này thể hiện rõ ràng nội dung lẫn thông điệp, chúng bổ sung cho nhau và tạo ra một hình ảnh trực quan mạnh mẽ. Các logo dạng kết hợp sẽ tốt nếu:
- Bạn muốn tạo ra một logo phổ quát trong đó mỗi yếu tố có thể được sử dụng riêng lẻ mà không phá vỡ tính toàn vẹn tổng thể;
- Bạn muốn tạo một logo có thể thay đổi trong tương lai để phù hợp với nhu cầu thương hiệu của bạn.
Đôi khi các logo kết hợp trông rườm rà và rối mắt vì mong muốn phù hợp với mọi thứ trong cùng một lúc. Hãy chọn lọc và cố gắng làm nổi bật điều chính. Ví dụ: nếu yếu tố ưu tiên trong biểu trưng là hình ảnh, thì hãy ưu tiên phông chữ nhẹ nhàng và vừa phải cho văn bản. Nếu ưu tiên văn bản, hãy chọn tông màu trung tính cho hình ảnh. Cho dù ý tưởng thương hiệu của bạn có mạnh mẽ đến đâu, hình ảnh trực quan sai lầm có thể phá hỏng mọi thứ. Do đó, trước khi phê duyệt logo công ty, bạn nên suy nghĩ kỹ và kiểm tra lại. Logo có truyền đạt hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty không? Nó gợi lên trong bạn những cảm xúc nào? Logo có rõ ràng nếu giảm kích thước?,…
Lời kết
Logo chính là một bản trình bày trực quan rõ nét về thương hiệu. Chính vì thế, bạn cần đầu tư nghiêm túc vào quá trình xây dựng bộ nhận diện thương hiệu vì đây là hình ảnh mà khách hàng sẽ thấy đầu tiên.
Hy vọng rằng bài viết này hữu ích và giúp bạn có thêm những kiến thức để lựa chọn thiết kế logo phù hợp.